Bao giờ hết cảnh nhân lực du lịch vừa thiếu, vừa yếu? (Bài 2): Triển vọng phát triển trong bối cảnh mới
VHO- Dù mặt bằng chung chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành, sức ép môi trường xã hội và sự cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt. Thế nhưng cơ hội vẫn trong tay chúng ta, khi du lịch là ngành kinh tế cần cảm xúc, cần sự giao tiếp giữa con người với con người mà không máy móc hay công nghệ nào có thể thay thế được.
Hướng dẫn viên du lịch đối mặt với sức ép chuyên môn hóa cao và mang lại cảm xúc tốt cho du khách Ảnh: HOÀNG CÚC
Yếu tố quan trọng tăng năng lực cạnh tranh
Du lịch là một trong những hoạt động kinh tế đặc biệt quan trọng, được coi là ngành kinh tế hàng đầu trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi lao động chuyên nghiệp và tạo ra nhiều lợi ích. Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết đối với ngành Du lịch nước ta nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của ngành Du lịch trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Sau đại dịch Covid-19, trước tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực du lịch chất lượng cao, nhiều địa phương như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lào Cai, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM... đã tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, bà Phạm Lê Thảo, Phó phòng Quản lý lữ hành (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) cho rằng, việc thu hút lao động du lịch trở lại ngành làm việc và việc tuyển dụng lao động chất lượng cao cho ngành Du lịch là một quá trình dài, cần thời gian.
Năm 2019, ngành Du lịch đã có hơn 860.000 lao động trực tiếp trong tổng số hơn 2,5 triệu lao động. Tỉ lệ lao động có chuyên môn về du lịch (được đào tạo, bồi dưỡng về du lịch) chiếm gần 45%. Kết quả thống kê cho thấy, giai đoạn 2015-2019, tỉ lệ lao động có trình độ sau đại học chiếm 0,37%, tỉ lệ lao động có trình độ đại học chiếm 24,7%, tỉ lệ lao động có trình độ cao đẳng chiếm 13,25%, tỉ lệ lao động có trình độ trung cấp chiếm 14,55%, còn lại là các trình độ khác chiếm 47,13%.
Theo thống kê, đến 31.12.2022, toàn quốc có 38.000 cơ sở lưu trú du lịch với 780.000 buồng, gồm hơn 13.400 khách sạn, 506 căn hộ du lịch, hơn 16.200 nhà nghỉ du lịch, hơn 5.100 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, 565 biệt thự du lịch, 171 tàu thuỷ lưu trú du lịch, 11 bãi cắm trại du lịch. Trong đó, khoảng 90% cơ sở lưu trú đã khôi phục lại hoàn toàn hoạt động, 10% tạm dừng hoạt động do nhiều nguyên nhân. Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó phòng Quản lý cơ sở lưu trú (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) cho biết: “Với số cơ sở hiện có, nếu đạt công suất trên 70% dự kiến ngành Du lịch cần có khoảng 507.000 lao động trong các cơ sở lưu trú, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 50.000 người”.
Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) Hà Thanh Hải nhận định, sự thiếu hụt lớn về số lượng nhân lực du lịch sẽ tiếp tục diễn ra trong một vài năm tới. Dẫn ra việc trong suốt mấy năm qua, tác động của dịch Covid-19 khiến cho việc thực hành kỹ năng nghề cho sinh viên du lịch hầu như không triển khai được, ông Hà Thanh Hải cho biết: “Các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn cũng rất khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực. Có những khách sạn 5 sao thậm chí phải chấp nhận việc tuyển lễ tân không có ngoại ngữ. Sau dịch, sự bấp bênh của ngành Du lịch càng khó để thu hút lao động. Ở các vùng nông thôn, lao động thà đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, lương 6 - 7 triệu/tháng còn “sang” hơn là làm ở homestay. Tìm người làm còn khó nói gì đến cạnh tranh?”.
Đào tạo nhân lực phục vụ thị trường mới
Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Bộ VHTTDL ban hành với các mục tiêu cụ thể được đặt ra: Đến năm 2025, phục hồi và phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8-9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13-15%/năm; phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4-5%/năm.
Ông Vũ An Dân, Khoa Du lịch, Trường ĐH Mở Hà Nội cho rằng, để góp phần đạt được mục tiêu này việc mở rộng thị trường là hết sức cần thiết. Mở rộng thị trường thường cũng đồng nghĩa với việc phát triển thêm các sản phẩm mới cho các thị trường mới. Việc phát triển các sản phẩm mới cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện thêm các kỹ năng, kiến thức mới cần được làm chủ để có thể thực hiện các công việc hay phần việc mới. Điều này đặt ra yêu cầu về việc triển khai đào tạo để trang bị các kỹ năng và kiến thức mới cho nhân lực trong ngành Du lịch nói chung và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nói riêng.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp 4.0; sự ra đời của các nền tảng sử dung trí tuệ nhân tạo (AI) ví dụ như chat GPT; sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế chia sẻ; sự phát triển mạnh mẽ của các công cụ chỉ đường, tìm kiếm thông tin, biên và phiên dịch đang mang lại nhiều thách thức về việc công nghệ dần thay thế hướng dẫn viên. “Tất cả những điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải xác định xem sẽ phải đào tạo gì cho hướng dẫn viên và đào tạo như thế nào để đội ngũ hướng dẫn viên bắt kịp xu hướng, duy trì được vị thế của mình trong ngành và cũng để chuẩn bị cho việc mở rộng thị trường”, ông Vũ An Dân nói. Theo ông Vũ An Dân, đào tạo để hướng dẫn viên bắt kịp xu hướng và duy trì vị thế là yêu cầu cấp thiết. Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cùng với trí tuệ nhân tạo (AI) đang len lỏi vào mọi mặt trong cuộc sống và trong ngành Du lịch. Công nghệ AI đang để lại dấu ấn trên mọi khía cạnh du lịch như đón tiếp khách, phục vụ và lắng nghe nhu cầu của khách du lịch.
Kết quả khảo sát của Google Travel & Trip Advisor cho thấy, 74% khách hàng lên kế hoạch cho chuyến đi du lịch của họ bằng cách sử dụng Internet, trong đó hơn 45% khách hàng có kế hoạch sử dụng điện thoại thông minh. Các khảo sát khác chỉ ra rằng 85% khách hàng quyết định các hoạt động du lịch của họ sau khi đến đích, 36% khách hàng thích quy trình đặt phòng tương tác và 80% trong số họ chọn các công nghệ tự phục vụ thay vì các dịch vụ truyền thống.
Trong bối cảnh nói trên, việc đào tạo để chuẩn bị cho phục vụ thị trường mới, nhóm khách hàng mới, xu hướng du lịch mới rất quan trọng. Mở rộng thị trường có thể bao hàm việc mở rộng thị trường địa lý mới hoặc hướng tới các nhóm khách hàng mới với các nhu cầu mới trong các thị trường địa lý hiện tại. Với mỗi thị trường các yêu cầu về trang bị các kỹ năng kiến thức cho hướng dẫn viên cũng sẽ khác nhau. Các chuyên gia du lịch cho rằng, vấn đề lớn đối với du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện tại là sự thiếu hụt không chỉ đội ngũ hướng dẫn viên mà là đội ngũ đào tạo viên, giảng viên đào tạo về nghiệp vụ hướng dẫn. Với sự thiếu hụt này nếu triển khai theo cách truyền thống với việc sử dụng con người sẽ khó có thể đáp ứng được nhu cầu đào tạo. Do vậy cần phải kết hợp công nghệ trong công tác đào tạo.
Không chỉ đào tạo nhân lực mới cho ngành Du lịch, GS.TS Nguyễn Văn Đính cho rằng cần phải nâng cao kiến thức, chất lượng nguồn nhân lực cho cả hệ thống, nằm trong hệ sinh thái du lịch, bao gồm cả các công chức, viên chức, doanh nghiệp của ngành thì mới đủ sức cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu phát triển.
VŨ AN - NGHIÊM HÙNG
(Còn nữa)